Thành lập và phát triển Hồng_vệ_binh

Hình ảnh các Hồng vệ binh tập hợp trước quảng trường Thiên An Môn năm 1967.

Ngày 29 tháng 5 năm 1966, tại Trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, đơn vị Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập với mục đích là trừng phạt những lực lượng, cá nhân đi ngược lại nền văn hóa mới do Cách mạng văn hóa đề ra.

Ngày 01 tháng 08, Mao đích thân viết cho họ một bức thơ ngỏ, bày tỏ "hậu thuẫn nồng nhiệt và tích cực". Sau đó ra lệnh phát sóng các tuyên ngôn của các Hồng vệ binh trên đài phát thanh quốc gia và công bố trên các tờ báo nhật báo. Được Mao ủng hộ, các đơn vị Hồng vệ binh nhanh chóng phát triển khắp Trung Quốc.

Ngày 18 tháng 8 năm 1966, hàng triệu Hồng vệ binh từ khắp các nơi Trung Quốc tập trung về Bắc Kinh để nghe Mao Trạch Đông diễn thuyết. Xuất hiện tại quảng trường Thiên An Môn, vai Mao đeo băng đỏ để chứng tỏ ủng hộ phong trào và mục tiêu của nó. Trước hàng triệu Hồng vệ binh, Mao ca ngợi hành động của Hồng vệ binh là "phát triển Xã hội chủ nghĩadân chủ". Cũng trong cuộc mít tinh ngày 18 tháng 8, Lâm Bưu nói: "Chúng ta cần phải đánh đổ phái cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phải đánh đổ tất cả phái bảo hoàng tư sản, phải đánh đổ tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa!". Hành động của Hồng vệ binh được Mao Trạch Đông ca ngợi, ngày 22 tháng 8 năm 1966, Mao ban hành một thông cáo chung, trong đó quy định cấm mọi sự can thiệp từ phía cảnh sát vào hoạt động của Hồng vệ binh. Người nào làm trái với Thông cáo đó sẽ bị coi là phản cách mạng.

Ngày 5 tháng 9 năm 1966, một thông cáo khác được ban hành khuyến khích tất cả Hồng vệ binh đến Bắc Kinh trong một quãng thời gian xác định. Tất cả chi phí, bao gồm ăn ở và đi lại sẽ được chính quyền chi trả.

Sau các cuộc diễu hành phô trương trong tháng Tám, những người lãnh đạo Cách mạng Văn hóa chỉ đạo cho Hồng vệ binh lập chiến dịch để tấn công tiêu diệt "Bốn cái cũ" của xã hội Trung Quốc (phong tục, văn hóa, tập quán và tư tưởng hủ lậu). Trong chiến dịch này, các nhóm Hồng vệ binh trở nên quá khích, nhiều công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang bị đóng cửa, cướp phá hoặc bị đập bỏ. Một số di tich lịch sử bị lực lượng này đe dọa đập phá, khiến chính quyền phải cử quân đội tới bảo vệ (ví dụ như Tử Cấm Thành còn tồn tại là nhờ có sự bảo vệ của quân đội do Chu Ân Lai phái đến)

Theo một báo cáo chính thức trong tháng 10 năm 1966, Hồng vệ binh đã bắt giữ 22.000 "phản cách mạng" [2] nhiều người đã bị giết, bị tra tấn đến chết hoặc tự tử do không chịu được nhục nhã. Trong tháng 8 và tháng 9, chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có 1772 người bị sát hại. Tại Thượng Hải, trong tháng 12 có 704 vụ tự tử...

Ngày 22 tháng 7 năm 1967, Giang Thanh chỉ đạo Hồng vệ binh có thể thay thế Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa nếu cần thiết. Sau khi được sự khích lệ của Giang Thanh, Hồng vệ binh bắt đầu cướp phá các doanh trại và các tòa nhà quân đội. Hành động này kéo dài tới tận mùa thu năm 1968, mà không bị các tướng lĩnh quân đội ngăn chặn.